Triệu chứng & Cách điều trị sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy sốt xuất huyết Dengue là gì, triệu chứng và cách điều trị ra sao, cùng PestMen tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF) là biến thể nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Bệnh này do 1 trong 4 chủng vi-rút Dengue khác nhau gây ra, bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Sốt xuất huyết Dengue thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, những đối tượng khác có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn. Tuy nhiên, vẫn có thể mắc bệnh khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh tấn công.

Sốt xuất huyết Dengue lây qua vết muỗi đốt, thường là muỗi Aedes aegypti. Đây là loại muỗi vằn thường xuất hiện ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi bùn lầy nước đọng, chủ yếu đốt vào sáng sớm và chiều tối. Virus gây bệnh sẽ ký sinh trong muỗi và xâm nhập vào cơ thể người khi muỗi hút máu.

Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là biến thể nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết

Triệu chứng khi nhiễm bệnh sốt xuất huyết Dengue

Thông thường, các triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue thường rõ rệt nhất sau khi người bệnh bị muỗi mang virus đốt khoảng 4 – 7 ngày. Các triệu chứng thường kéo dài trong 5 – 7 ngày, tùy từng bệnh nhân và mức độ nặng mà biểu hiện sẽ khác nhau. Bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C.
  • Đau đầu, hốc mắt, đau nhức cơ.
  • Đau đầu, đau 2 hốc mắt.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Chán ăn, buồn nôn.
  • Đau họng.
  • Nghẹt mũi.
  • Phát ban, thường xuất hiện khoảng 2 ngày sau khi phát bệnh.
  • Bầm da.

Bên cạnh những dấu hiệu trên, người bệnh còn xuất hiện các biểu hiện xuất huyết như:

  • Xuất hiện các nốt xuất huyết dạng chấm dưới da. Đồng thời, các vết xuất huyết có thể lan ra thành mảng lớn.
  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu mũi, ở nữ giới có thể xuất hiện tình trạng kinh nguyệt kéo dài hoặc kinh nguyệt sớm.
  • Trường hợp bệnh nặng có thể xuất hiện các triệu chứng xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não.

Biểu hiện nghiêm trọng nhất của sốt xuất huyết Dengue đó là thoát huyết tương, dẫn đến tràn dịch ở màng bụng, màng phổi. Trường hợp nặng có thể gây sốc, mệt lả, tụt huyết áp, lạnh đầu chi, hôn mê li bì,…

Triệu chứng khi nhiễm bệnh sốt xuất huyết Dengue
Triệu chứng xuất hiện khi nhiễm bệnh sốt xuất huyết Dengue

giai đoạn phát bệnh sốt xuất huyết Dengue

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường khởi phát đột ngột. Thông thường, bệnh sẽ diễn biến qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh:

Giai đoạn ủ bệnh của sốt xuất huyết Dengue thường diễn ra trong khoảng 3 – 10 ngày, thậm chí có thể lên tới 14 ngày tùy vào từng đối tượng. Trong giai đoạn ủ bệnh của sốt xuất huyết Dengue, người bệnh thường sẽ không thấy bất cứ triệu chứng nào.

  • Giai đoạn sốt:

Trong giai đoạn này, người bệnh xuất hiện những cơn sốt cao đột ngột, đi kèm là các triệu chứng nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau nhức cơ và đau 2 hốc mắt. Khi bệnh tiến triển, dưới da của người bệnh sẽ bắt đầu có những vết xuất huyết hoặc chảy máu chân răng, chảy máu cam.

  • Giai đoạn nguy hiểm:

Từ ngày thứ 3 đến ngày 7, người mắc bệnh sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Lúc này, người bệnh đã có dấu hiệu hạ sốt, tuy nhiên vẫn sẽ còn một số biểu hiện như: phù mi mắt, lừ đừ, tràn dịch màng phổi, bụng và đau đớn do xuất huyết niêm mạc và các tạng.

Một số biến chứng thường gặp trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh bao gồm: Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng. Nếu không có phương pháp xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong ở giai đoạn này.

  • Giai đoạn hồi phục:

Sau khoảng 24 – 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, người bệnh sẽ bắt đầu hạ sốt. Tổng quan thể trạng người bệnh sẽ tốt lên, ăn ngủ được, tiểu nhiều và huyết áp dần ổn định trở lại.

4 giai đoạn phát bệnh sốt xuất huyết Dengue
4 giai đoạn phát triển của sốt xuất huyết Dengue

Cách điều trị và phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue

Dưới đây là cách điều trị và phòng ngừa sốt xuất huyết bạn nên tham khảo và nắm rõ:

Hướng dẫn cách điều trị sốt xuất huyết Dengue

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết Dengue, vì vậy việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị thường sẽ khoảng 7 – 10 ngày sau thời điểm sốt đầu tiên. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên đến điều trị tại các bệnh viên, cơ sở y tế để được bác sĩ theo dõi và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.

Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà sau khi đã được bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và trao đổi rõ về kế hoạch điều trị. Dưới đây là một số cách điều trị sốt xuất huyết Dengue bạn có thể tham khảo:

  • Cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường, trong trường hợp sốt cao trên 38,5 độ C, cần nới lỏng quần áo, lau người bằng nước ấm và cho uống thuốc hạ nhiệt.
  • Sử dụng thuốc hạ nhiệt là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần và không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ. Mỗi liều cách nhau 4 – 6 giờ.
  • Bù dịch bằng đường uống cho người bệnh bằng nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, …).
  • Không cho người bệnh sử dụng các loại đồ ăn, đồ uống có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la,…

Phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue

Cách phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue hiệu quả nhất chính là hạn chế tối đa việc bị muỗi đốt. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp phòng tránh sốt xuất huyết Dengue dưới đây:

  • Lên kế hoạch các hoạt động ngoài trời tại nơi khô ráo, thoáng mát, không có muỗi. Tránh ở ngoài trời vào các khung giờ muỗi xuất hiện nhiều như bình minh, hoàng hôn và chiều tối.
  • Kiểm tra không gian quanh nhà, dọn dẹp các nguồn nước đọng, phát quang bụi rậm để ngăn ngừa muỗi sinh sản và gây bệnh.
  • Sử dụng các loại thuốc chống muỗi dạng bôi hoặc dạng xịt khi tham gia các hoạt động ngoài trời để tránh bị muỗi đốt.
  • Chăm chỉ luyện tập thể thao mỗi ngày, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên.
Phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue
Phương pháp điều trị và phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue

Lưu ý trong và sau khi điều trị sốt xuất huyết Dengue

Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết Dengue, người bệnh cần lưu ý:

  • Uống nhiều nước và ORS để bù điện giải hàng ngày.
  • Nghỉ ngơi thư giãn, tránh căng thẳng quá mức khi điều trị.
  • Sử dụng hạ sốt đúng liều lượng và không nên lạm dụng.
  • Súc họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, hạn chế sử dụng bàn chải sẽ gây chảy máu chân răng.
  • Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị kịp thời khi các triệu chứng có dấu hiệu chuyển nặng như: Đi ngoài phân đen, co giật, tri giác lơ mơ,…

Ngoài ra, sau quá trình điều trị, người bệnh cũng cần chú ý các vấn đề sau:

  • Uống thuốc theo đơn của bác sĩ, nếu cần có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về đơn thuốc bạn đang sử dụng.
  • Ăn uống, bồi dưỡng đầy đủ và tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ (nếu có).
  • Ngủ màn để phòng chống muỗi.
  • Tái khám ngay khi có các dấu hiệu: Đau bụng dữ dội, chảy máu không rõ nguyên nhân, buồn nôn, cảm giác bồn chồn, vật vã hoặc li bì, lơ mơ.

Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh sốt xuất huyết Dengue, bao gồm triệu chứng và cách điều trị. Hy vọng thông qua bài viết của PestMen , bạn sẽ biết cách phòng tránh biến thể này cho bản thân và những người xung quanh mình!

Danh mục

Hỗ trợ khách hàng