Nguyên nhân & Triệu chứng của bệnh sốt rét

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường xảy ra ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong. Cùng PestMen tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý khi gặp sốt rét trong bài viết dưới đây!

Bệnh sốt rét là gì?

Bệnh sốt rét gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, có khả năng truyền nhiễm từ người này qua người khác khi họ bị muỗi Anopheles mang ký sinh trùng đốt. Bệnh thường xuất hiện ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, có khả năng bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tất cả đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Đối với các trường hợp sốt rét nặng và không được điều trị đặc biệt, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 20%. Đối với trẻ em, trường hợp mắc sốt rét nặng có thể gây mất máu và tổn thương não trực tiếp.

Bệnh sốt rét là gì?
Tất cả đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh sốt rét

Nguyên nhân chính gây sốt rét

Nguyên nhân chính gây sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium cùng đối tượng trung gian là muỗi Anopheles. Khi muỗi Anopheles hút máu của người bệnh, tuyến nước bọt của muỗi cũng sẽ chứa ký sinh trùng sốt rét. Khi muỗi chuyển sang đốt người khác sẽ truyền ký sinh trùng gây bệnh từ người này sang người khác.

Ký sinh trùng Plasmodium khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào tế bào gan, sau đó phân chia, giải phóng ra các merozoites và tiếp tục tấn công các tế bào hồng cầu.

Đồng thời, các ký sinh trùng sẽ tiếp tục quá trình phân chia vô tính, phá vỡ hồng cầu và tiếp tục xâm nhập vào những tế bào hồng cầu mới. Chu kỳ phân chia vô tính tại các tế bào hồng cầu này sẽ kéo dài trong suốt thời gian phát bệnh sốt rét, dẫn đến những cơn sốt triền miên từng đợt.

Hiện nay, có 5 chủng ký sinh trùng sốt rét chủ yếu ở người đó là P. falciparum; P. vivax; P. ovale; P. malariae và P. knowlesi. Tùy vào chủng ký sinh trùng mắc phải mà người bệnh sẽ gặp những biến chứng lâm sàng khác nhau.

Nguyên nhân chính gây sốt rét
Nguyên nhân chính gây sốt rét – Muỗi Anopheles mang ký sinh trùng

Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh sốt rét

Thời gian ủ bệnh của sốt rét tính từ thời điểm người bị muỗi Anopheles mang mầm bệnh đốt thường kéo dài từ 7 – 21 ngày, trung bình khoảng 9 – 14 ngày. Một số triệu chứng chung mà người bệnh có thể gặp khi bị sốt rét bao gồm:

  • Sốt cao 39 – 40 độ, những cơn sốt có thể kéo dài trong khoảng từ 30 phút đến 2 giờ.
  • Ớn lạnh.
  • Toát mồ hôi.
  • Đau nhức cơ.
  • Buồn nôn, nôn mửa.

Tùy vào chủng ký sinh trùng sốt rét, các biểu hiện trên có thể kéo dài trong khoảng 48 – 72 giờ. Sốt rét được chia làm 2 loại là sốt rét thường và sốt rét ác tính, mỗi thể sẽ có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau:

Sốt rét thường:

  • Người bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn là rét run – sốt – vã mồ hôi, thường sẽ lặp lại theo chu kỳ.
  • Sốt không thành cơn, người bệnh cảm nhận rõ các cơn ớn lạnh, gai rét.
  • Đối với trẻ em hoặc người bị sốt rét lần đầu, các cơn sốt diễn ra liên tục hoặc dao động theo thời gian.
  • Thiếu máu, lách to, gan to…

Sốt rét ác tính:

  • Các cơn sốt cao từ 39 – 41 độ C diễn ra liên tục.
  • Người bệnh rối loạn ý thức, ngủ li bì, nói mê sảng,..
  • Xuất hiện các cơn đau đầu dữ đội và hội chứng về tâm thần – thần kinh như: Hôn mê đột ngột, hôn mê sâu, co giật, giãn đồng tử, rối loạn cơ vòng.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Cơ thể thiếu máu, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lờ đờ.
  • Mật độ ký sinh trùng thể vô tính ở mức độ cao (P. falciparum ++++ hoặc ≥ 100.000 KST/µl máu)
Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh sốt rét
Các triệu chứng sốt rét người bệnh thường gặp phải

Phương pháp điều trị & Phòng tránh sốt rét

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sốt rét có thể khiến người bệnh tử vong và bùng phát thành đại dịch. Dưới đây là những phương pháp điều trị và phòng tránh sốt rét mà bạn cần nắm rõ:

Phương pháp điều trị bệnh sốt rét

Hiện nay, bệnh sốt rét đã có thuốc điều trị đặc hiệu, bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị khi xuất hiện các triệu chứng sốt rét. Tùy vào từng loại ký sinh trùng gây bệnh, bác sĩ sẽ kê những đơn thuốc khác nhau, tránh tình trạng kháng thuốc.

Nguyên tắc để điều trị bệnh sốt rét là kết hợp giữa thuốc đặc trị với nâng cao thể trạng tự nhiên của người bệnh. Một số vấn đề đặc biệt mà bạn cần lưu ý khi điều trị sốt rét là:

  • Phụ nữ có thai khi nhiễm sốt rét có khả năng cao sẽ chuyển biến thành sốt rét ác tính. Vì vậy, việc điều trị cần diễn ra nhanh nhất có thể để đảm bảo độ hiệu quả và an toàn cho mẹ bầu cùng em bé. Đối với trường hợp này, cần điều trị diệt ký sinh trùng sốt rét phối hợp cùng trị các biến chứng đi kèm.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú, nếu bị nhiễm sốt rét cần áp dụng phác đồ điều trị như phụ nữ có thai trên 3 tháng bị sốt rét.
  • Trong quá trình điều trị sốt rét, người bệnh cần theo dõi để xem cơ thể có đáp ứng với thuốc hay không. Ngoài ra, cần uống thuốc đúng cách, đủ theo liệu trình, tuân thủ phác đồ điều trị và xét nghiệm theo lịch để theo dõi tình hình ký sinh trùng sốt rét.

Cách thức phòng tránh sốt rét hiệu quả

Hiện chưa có vaccine đặc trị sốt rét, tuy nhiên chúng ta có thể phòng chống loại bệnh này bằng những phương thức sau đây:

  • Dọn dẹp nhà cửa và không gian sống thường xuyên, đặc biệt là những khu vực ẩm ướt, rừng núi, mưa nhiều, độ ẩm cao,…
  • Phát quang bụi rậm, cống rãnh, dọn dẹp ao tù nước đọng để tránh muỗi sinh sống và phát triển.
  • Mắc màn khi đi ngủ, với những khu vực có nhiều muỗi, bạn có thể mặc quần áo dài khi đi ngủ để tránh muỗi đốt. Mặt khác, có thể sử dụng thêm các sản phẩm như thuốc bôi chống muỗi, bình xịt muỗi,…
  • Cần chuẩn bị những biện pháp an toàn khi truyền máu, đặc biệt đối với những người đã từng mắc sốt rét hoặc người sống trong khu vực dịch sốt rét lưu hành.
  • Nếu nghi ngờ có những triệu chứng sốt rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách thức phòng tránh sốt rét hiệu quả
Phương pháp điều trị & Phòng tránh sốt rét cần biết

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh sốt rét

Để bạn có thể hiểu hơn về bệnh sốt rét, PestMen đã tổng hợp những câu hỏi thường gặp cùng với câu trả lời chi tiết dưới đây:

Bị sốt rét có lây lan không?

Sốt rét có thể lây từ người này qua người khác bằng đường máu, với 4 phương thức truyền nhiễm phổ biến:

  • Lây từ người bệnh qua người lành thông qua muỗi Anopheles đốt.
  • Lây từ mẹ sang con.
  • Lây do truyền máu (máu được truyền có chứa ký sinh trùng gây sốt rét).
  • Lây do dùng chung kim tiêm có chứa ký sinh trùng sốt rét.

Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh sốt rét?

Bất kỳ đối tượng nào cũng đều có nguy cơ nhiễm phải ký sinh trùng gây sốt rét. Trong đó, trẻ em trên 6 tháng tuổi sẽ dễ mắc sốt rét hơn, do hệ miễn dịch còn non nớt và không còn huyết sắc tố F.

Sử dụng phương pháp nào để chẩn đoán sốt rét?

Đối với một số trường hợp, các triệu chứng sốt rét khá giống với các bệnh như sốt xuất huyết Dengue độ 1, thương hàn, sốt mò,… Vì vậy, để chẩn đoán sốt rét chính xác nhất, người ta sẽ sử dụng các phương pháp sau:

  • Nhuộm Giemsa.
  • Nhuộm nhanh AO.
  • Sinh học phân tử PCR.
  • Phát hiện kháng thể sốt rét thông qua huỳnh quang gián tiếp và liên kết lên men hấp thụ miễn dịch.

Trên đây là những thông tin chi tiết về sốt rét – căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khá phổ biến tại nước ta hiện nay. Hy vọng qua những thông tin mà PestMen chia sẻ, bạn sẽ nắm rõ những biểu hiện, nguyên nhân gây bệnh sốt rét và biết cách phòng tránh loại bệnh này cho mình và những người xung quanh.

Danh mục

Hỗ trợ khách hàng